LÀ GIẬN DỮ HAY LÀ THƯƠNG TỔN

– Review sách: Vũ điệu của cơn giận –

 

Đôi điều về tác giả

Harriet Lerner, một nhà tâm lý học lâm sàng nổi tiếng với nhiều đóng góp to lớn trong các công trình học thuật mang đậm dấu ấn về nữ quyền và các mối quan hệ gia đình. Có lẽ chính vì điều này mà bà đã tạo nên được dấu ấn cho riêng mình. Một phần không thể thiếu trong hầu hết các tác phẩm của bà là sự xuất hiện của các vấn đề về nữ quyền và lý thuyết hệ thống gia đình. “Vũ khúc của cơn giận” chính là một trong số những đứa con tinh thần đó. 

Sự báo hiệu hữu ích

Có lẽ trước giờ chúng ta nhìn khá nhiều vào mặt tiêu cực của sự giận dữ, ta tìm mọi cách để đè nén, khống chế và thậm chí dập tắt ngay tức thì mỗi khi cơn giận xuất hiện bằng bất kỳ giải pháp nào có thể nghĩ đến ngay lúc đó. 

Nếu chẳng may, cơn giận còn có thể biến chuyển thành ngọn lửa cuồn cuộn và hung hãn thiêu rụi mọi thứ, vì vậy ta cần phải tạt nước để dập tắt ngọn lửa ấy, nhưng ta đâu biết rằng lửa dẫu có tắt đi thì vẫn còn đó những hòn than đang âm ỉ và sẵn sàng làm bùng lên những ngọn lửa mới bất cứ lúc nào. 

Với một góc nhìn khác bà Harriet Lerner nhìn về cơn giận như một dấu chỉ có thể báo hiệu cho những nhu cầu không được thoả mãn, những bất công, những rạn nứt trong mối tương giao mà chúng ta phải lưu tâm thay vì trở thành “kẻ nuôi dưỡng, xoa dịu, hòa giải… những kẻ giữ vững con tàu đang bị lắc lư” – Vũ điệu của cơn giận.

Vũ công nhảy múa cùng cơn giận

Nếu cơn giận là một vũ khúc thì có lẽ chúng ta không thể nào tránh được vai trò vũ công của mình… Nhưng phải chăng người vũ công này lúc nào cũng chỉ có thể nương theo sự dẫn dắt và chịu sự chi phối của vũ điệu ấy? Liệu rằng có lúc nào người vũ công ấy muốn vùng ra để làm chủ, để cảm nhận và để tận hưởng vũ điệu ấy theo cách của riêng mình? 

Trong suốt chiều dài quyển sách của mình, tác giả dành phần lớn thời lượng để mô tả người “vũ công” này bằng một cái nhìn đồng điệu và hết sức cảm thông. Ắt hẳn chúng ta không ít lần thấy lồng ngực mình như nổ tung, tay run rẩy bất lực, thỏa hiệp trước những sự việc diễn ra không như mong đợi hoặc đe dọa đến bản ngã của mình… Hoặc lao ra quật ngã mọi thứ, đấu tranh đến cùng với những ai hoặc những điều gây ra cho mình những cảm xúc khó chịu. Và rồi những phút giây ấy qua đi, điều gì còn đọng lại trong mỗi chúng ta? Sự thoả mãn vì đã giải quyết vấn đề theo cách của mình, sự bất lực khi không thể nào thay đổi hoàn cảnh hay nỗi ân hận cho những hành động của mình. Nhưng có bao giờ bạn dành cho chính mình sự cảm thông? Cảm thông không có nghĩa là đồng loã và tiếp tục hành xử như thế. Cảm thông với bản ngã của chính mình và tìm về nguồn cơn của cơn giận ấy với đủ đầy hình dạng và tìm kiếm xem bản thân ta đang ở đâu trong cơn giận ấy?

Đi tìm nguồn cơn

Với vũ khúc của cơn giận, một lần nữa Harriet Lerner cho ta một ý tưởng rất xác đáng về gốc rễ của cơn giận bằng những khám phá bên trong những mối quan hệ thân mật và gần gũi nhất của mỗi chúng ta, về cách mà ta được lớn lên, cách mà ta tương giao và duy trì những mối quan hệ ấy. Mỗi một mối quan hệ là một âm điệu khác nhau nhưng đôi khi cũng đồng điệu về cách mà vũ công nhảy múa. Đến cuối cùng khi ta hiểu và khám phá được bản chất của vũ điệu và cách thức chúng ta hoà mình, nhảy múa trên vũ điệu ấy chúng ta sẽ tìm được giải pháp cho chính vấn đề của mình. 

“Cơn giận của chúng ta là một dụng cụ hữu hiệu để cải thiện mối liên hệ, nếu chúng ta tin chắc và luôn nhớ rằng nó giúp chúng ta hiểu biết thêm về chính mình chớ không phải về người khác.” 

Hi vọng chuyên mục review sách lần này của Hoa Súng sẽ mang đến cho bạn đọc thêm một ý tưởng hữu ích trên hành trình để hiểu và làm chủ chính mình.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.