CÔ ĐƠN CÓ PHẢI MANG HÌNH HÀI CỦA THƯƠNG TỔN?

———————- Review sách “Hai mặt của gia đình” ———————-

 

Đôi dòng về tác giả Choi Kwanghuyn

“Ông là trưởng khoa Khoa Tham vấn Gia đình, Viện Cao học Tham vấn, Đại học Hansei, đồng thời là viện trưởng Viện Nghiên cứu Trị liệu Gia đình và Sang chấn.

Sau khi tốt nghiệp chương trình cao học Yonsei, ông sang Đức và hoàn thành khóa học tiến sĩ chuyên ngành Tham vấn Gia đình tại Đại học Bonn. Tác giả từng là nhà trị liệu gia đình của Trung tâm Trị liệu Gia đình Ruhr và là tham vấn viên lâm sàng của Bệnh viện Đại học Bonn, Đức” – Hai mặt của gia đình.

“ Gia đình vốn là chiếc tổ ấm áp như vòng tay mẹ – nơi chúng ta có thế quay về bất cứ lúc nào, là nơi yêu thương chúng ta vô điều kiện. Thế nhưng ngày nay có bao nhiêu gia đình là tổ ấm, là nơi yêu thương chúng ta vô điều kiện như vậy? Gia đình trở thành nơi tiếp thêm sức mạnh cũng là nơi khiến đôi vai chúng ta thêm nặng trĩu, là nơi ẩn náu của những mâu thuẫn tinh vi đằng sau những phút giây thân mật, là nơi tràn đầy sự yêu thương nhưng có cả sự ghét bỏ. Gia đình lúc nào cũng có hai mặt như vậy”- Choi Kwanghyun

Bạn đang say giấc trong một cái tổ ấm áp hay đang khắc khoải, đơn độc băng bó vết thương cho chính mình đằng sau bức tường đan xen sáng tối? Hãy cùng tìm hiểu xem điều gì đang ẩn chứa bên trong quyển sách “Hai mặt của gia đình” mà tác giả Choi Kwanghyun muốn nhắn gửi đến đọc giả nhé.

Cô đơn 

Mở đầu quyển sách “Hai mặt của gia đình” là một loạt chương nói về cô đơn. Cô đơn không chỉ hiện hữu trong một không gian tĩnh lặng chỉ riêng mình ta. Cô đơn len lỏi trong một không gian tràn đầy ánh đèn, ngập mùi thơm của thức ăn trong bữa ăn gia đình. Cô đơn cũng không chỉ theo đuổi con người ta ở độ tuổi trưởng thành mà cắm rễ trong sâu thẳm tâm hồn từ thuở ấu thơ. Có đôi khi nỗi cô đơn ấy cắm rễ sâu đến nỗi ta tưởng như bản thân mình chẳng còn tin tưởng đến phép màu từ đôi bàn tay của bất kì một ai nữa ngay cả trong lúc ta yếu đuối nhất. Có người tìm quên cô đơn bằng cách tìm kiếm bạn đời nhưng liệu đây có thực sự là nguyên nhân bù đắp được lý do vì sao ta cô đơn hay không?

Phải chăng đến từ thương tổn?

Có lẽ sẽ có vô vàn lý do để khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, ắt hẳn không nguyên nhân nào là hoàn toàn tuyệt đối. Đứng trên góc độ của một nhà trị liệu hệ thống gia đình, tác giả Choi Kwanghyun đã cung cấp cho chúng ta một khía cạnh khác của cô đơn đó là sự tổn thương từ những trải nghiệm ấu thơ. Những vết thương xuyên thế hệ của cha mẹ và con cái tạo nên những khoảng lỏng lẻo trong mối dây ràng buộc huyết thống. Những vết thương tưởng chừng nhỏ bé ấy nhưng có lẽ đủ để xây nên những bức tường ngăn trở những đứa trẻ kết nối cảm xúc với nhau, và xa rộng hơn là khi lớn lên, là sự kết nối với thế giới hay kết nối với gia đình nhỏ của mình. Bởi lẽ:

 “Gia đình là nơi chúng ta sinh ra và hình thành những mối quan hệ đầu tiên. Chúng ta xây dựng mối quan hệ trong gia đình như thế nào? Cảm xúc ra sao, điều đó cố định kênh cảm xúc được phát sóng trong suốt cuộc đời ta.”

Trải qua chương đầu tiên của quyển sách, chúng ta đã vô tình khởi động chuyến tàu vượt thời gian đang ngủ say trong tâm trí mình bấy lâu nay, và trong quá trình khám phá con tàu đó, nếu tìm được một chiếc chìa khóa thích hợp, nó sẽ đưa chúng ta quay về quá khứ với những ký ức thơ bé, những nỗi đau mà chúng ta tưởng rằng sẽ không bao giờ muốn nhìn lại, nhưng thật không hay là nó vẫn đang âm ỉ ở đâu đó trong chính cơ thể này, hay thậm chí là hình thành những vết sẹo không bao giờ lành lại được. Chúng ta cần được tiếp thêm sức mạnh để có thể vững bước trên hành trình quay trở về này vì một khi con tàu được khởi động, cũng là lúc ta phải đối diện với nỗi đau của chính mình, đối diện với những vết thương trên cơ thể, những điều đã xảy ra với ta trong chính hành trình trưởng thành đó. Nhưng làm thế nào để chữa lành được cho những vết thương đó? Một lần nữa tác giả đã đưa ra câu trả lời rằng:

“Rất tiếc chúng ta không thể nào xoá sạch hoàn toàn tổn thương của những ngày xưa cũ. Điều chúng ta có thể làm là ngăn cản những vết thương trong quá khứ làm tổn thương cảm xúc của hiện tại.”

Vâng, cô đơn có thể mang hình hài của tổn thương nhưng quan trọng hơn hết là cách mà chúng ta nhìn nhận nó trong cuộc sống hiện tại như thế nào!

Với đôi điều mà tác giả đã truyền tải thông qua quyển sách, Hoa Súng mong rằng có thể tiếp thêm sức mạnh cho hành trình tự chữa lành của chính bạn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.