Tức giận giúp gì cho bạn và khi nào nó trở thành vấn đề của bạn?

Chia sẻ 1:

“Cô biết không, ngày trước tôi là một người cực kỳ nóng tính, ai làm trái ý tôi, không tuân thủ nguyên tắc, con cái không nghe lời là tôi quạt liền, tôi cực kỳ thẳng tính. Làm việc với cấp trên tôi cũng không nể nang gì nên nhiều khi cũng không lấy lòng được họ. Nhiều khi cũng thấy bất công, mình làm muốn chết mà không được cân nhắc. Ở nhà thì con cái nó cũng chỉ theo mẹ, nhiều khi buồn.

Ngẫm ra mình cũng là người tốt mà, sao người tốt cứ phải luôn luôn chịu thiệt hả cô. Có một dạo, huyết áp cứ tăng, lại thêm căn bệnh tim hành hạ, thiệt buồn, không biết bày tỏ cùng ai.

Bây giờ thì tốt hơn rồi chuyển qua công việc này làm việc với tụi trẻ mình cũng học được tính kiên nhẫn hơn, nhẫn nại hơn, mình cũng không phải là thánh nhân gì, nhưng ôn lại những tấm gương của bậc thánh nhân, những người chịu khổ, chịu nhẫn vì mục đích lơn hơn mình cũng an lòng, cũng kiềm bớt sự nóng giận của mình. Mình trở nên bình tĩnh hơn và cũng nhắc nhở, răng mình hơn. Mong sao các bạn trẻ kịp thời sửa đổi bản thân hơn…” – NN Minh.

 

Chia sẻ 2:

“Tôi còn nhớ ngày mới ra trường, đến nơi phỏng vấn xin việc đầu tiên, trong một tổ chức giáo dục, làm việc với trẻ đường phố, trẻ vô gia cư, trẻ khó khăn,  tôi đã bị từ chối với lý do vì còn quá trẻ, vì hiền quá, vì chưa có kinh nghiệm v.v.

 Tôi đã thật sự tức giận khi nghe như vậy, về nhà tôi buồn mấy ngày, cứ suy nghĩ “chẳng lẽ vì tôi trông hiền quá! Nhưng thật ra trong mắt bạn bè tôi là đứa nghiêm túc và rất dữ, chẳng lẽ tôi chưa có nhiều kinh nghiệm mà tôi không thể làm được việc, v.v”.

Khóc chán chê, buồn chán chê, gạt nước mắt, tôi  nghĩ “ Để rồi anh xem, tôi có thể làm được gì?!. Đứng dậy tôi chạy vòng vòng mua cho mình 4, 5 bịch bánh trán trộn, món ăn xa xỉ của tôi. Ngồi nhai nát bét, nhai ngấu nghiến nó, rồi suy ngẫm làm cách nào để phát triển kỹ năng nghề nghiệp và bản thân mình. Nhiều lần nghiệm lại  biết ơn người phỏng vấn năm xưa… Sự tức giận năm ấy đã tạo động lực cho tôi phát triển, tôi học hỏi và dấn thân..”-LTM Tân.

PHẦN 1: TỨC GIẬN LÀ GÌ?

Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy tức giận – đó là một phần của con người. Giận dữ là một cảm xúc bình thường, lành mạnh mà chúng ta có thể trải qua nếu cảm thấy bị tấn công, lừa dối, bực bội, vô hiệu hoặc bị đối xử bất công.

Tức giận là gì?

Tức giận là một trong những cảm xúc của con người, được tìm thấy trong tất cả các tính khí.

“Tức giận là một cảm giác bất bình hoặc thù địch mạnh mẽ”- Charles Spielberger.

“Là một trạng thái cảm xúc ở dạng từ bực bội nhẹ đến giận dữ và thịnh nộ”- Charles spielberger.

Khi cơ thể con người ở trạng thái tức giận, hệ thần kinh giao cảm và hệ cơ sẽ có những bước chuẩn bị nhất đinh để sẵn sàng cho cuộc tấn công vật lý như cơ bắp của bạn căng, huyết áp và nhịp tim tăng vọt.

Mục đích của tức giận là gì?- Là cho sự tự bảo tồn. Nó giống như một ý định để bảo tồn bản thân, nhu cầu tinh thần và các niềm tin cơ bản.

Tức giận không nhất thiết là một cảm xúc xấu, trong thực tế đôi khi nó có thể hữu ích. Ví dụ cảm thấy tức giận về điều gì đó, nó có thể giúp:

  • Chúng ta xác định được vấn đề hoặc những điều đang làm tổn thương chúng ta
  • Thúc đẩy chúng ta tạo ra thay đổi, đạt được mục tiêu và tiếp tục hành động
  • Giúp chúng ta giữ an toàn và tự vệ trong các tình huống nguy hiểm, bằng cách cung cấp cho chúng ta nguồn năng lượng như một phần của hệ thống chiến đấu, đối đầu hoặc bỏ chạy, tránh né của chúng ta.

Hầu hết mọi người sẽ trải qua những giai đoạn tức giận mà cảm thấy có thể kiểm soát được và không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

 Học những cách lành mạnh để nhận biết, thể hiện và đối phó với cơn tức giận là điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của chính chúng ta.

PHẦN 2: TẠI SAO TA TỨC GIẬN

Như đã đề cập ở phần 1, thì mục đích của tức giận là cho sự tự bảo tồn bản thân, bảo tồn nhu cầu tinh thần và các niềm tin cơ bản.

Cảm giác tức giận nảy sinh do cách chúng ta giải thích và phản ứng với những tình huống nhất định.

Mọi người đều có những tác nhân gây ra điều khiến họ tức giận, nhưng một số nguyên nhân phổ biến xảy đến, những tình huống mà bạn cảm thấy:

  • Bạn cảm thấy bị đe dọa hoặc bị tấn công
  • Bạn thất vọng hoặc bất lực
  • Bản cảm thấy như bạn đang bị vô hiệu hóa
  • Bạn cảm thấy bị đối xử không công bằng
  • Bạn cảm thấy mọi người không tôn trọng cảm xúc hoặc tài sản của bạn
  • Ngoài ra bạn còn cảm thấy ảnh hưởng đến các nhu cầu của bạn; tác động đến các niềm tin  cơ bản của bạn.
  • Bạn đang căng thẳng quá mức

Mọi người có thể diễn giải các tình huống theo các cách khác nhau, vì vậy một tình huống khiến bạn cảm thấy rất tức giận có thể không khiến người khác cảm thấy tức giận (ví dụ các phản ứng khác có thể bao gồm khó chịu, tổn thương hoặc thích thú). Nhưng chỉ vì chúng ta có thể diễn giải mọi thứ theo cách khác nhau không có nhĩa là bạn đang diễn giải mọi thứ sai nếu bạn tức giận.

Cách bạn giải thích và phản ứng với một tình huống có thể phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong cuộc sống của bạn, bao gồm:

  • Thời thơ ấu và sự nuôi dạy của bạn
  • Trải nghiệm trong quá khứ
  • Hoàn cảnh hiện tại

Cho dù sự tức giận của bạn là về điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ hay điều gì đó đang xảy ra trong hiện tại, thì việc suy nghĩ về cách thức và lý do chúng ta giải thích và phản ứng với các tình huống có thể giúp chúng ta học cách đối phó với cảm xúc của mình tốt hơn. Nó cũng có thể giúp chúng ta tìm ra các chiến lược hiệu quả để xử lý cơn giận của mình.

Dưới đây là cách cách lý giải về cách bạn thể hiện sự giận dữ dưới góc nhìn tâm lý học.

Tuổi thơ và sự nuôi dạy

Cách chúng ta học để đối phó với cảm xúc tức giận thường bị ảnh hưởng bởi sự giáo dục của chúng ta. Nhiều người nhận được thông điệp về sự tức giận khi còn nhỏ có thể khiến họ khó kiềm chế khi trưởng thành.

  • Thứ nhất, có thể bạn đã lớn lên với suy nghĩ rằng việc bộc lộ cơn tức giận của mình một cách mạnh mẽ hoặc thô bạo là điều ổn; và vì vậy bạn đã không học cách hiểu và quản lý cảm xúc tức giận của mình. Điều này có nghĩa là bạn sẽ bộc phát tức giận bất cứ khi nào bạn không thích cách một người nào đó đang cư xử hoặc bất cứ khi nào bạn ở trong một tình huống mà bạn không thích.
  • Thứ hai, bạn có thể đã được nuôi dưỡng để tin rằng bạn không nên phàn nàn và có thể đã bị trừng phạt vì bộc lộ sự tức giận khi còn nhỏ. Điều này có nghĩa là bạn có xu hướng kìm nén cơn giận của mình và nó trở thành một vấn đề lâu dài, khi bạn phản ứng không thích hợp với những tình huống mới mà bạn không thấy thoải mái. Nếu bạn không cảm thấy mình có thể giải tỏa cơn giận một cách lành mạnh, bạn cũng có thể hướng điều này vào chính mình.
  • Thứ ba, bạn có thể đã chứng kiến sự tức giận của cha mẹ mình hoặc những người lớn khác khi nó vượt quá tầm kiểm soát, và học cách nghĩ về sự tức giận như một thứ gì đó hủy hoại và đáng sợ. Điều này có nghĩa là bây giờ bạn cảm thấy sợ hãi về sự tức giận của chính mình và không cảm thấy an toàn khi bộc lộ cảm xúc của mình khi có điều gì đó khiến bạn tức giận. Những cảm xúc này sau đó có thể xuất hiện vào một thời điểm kết nối khác, điều này có thể cảm thấy khó giải thích.

Trải nghiệm trong quá khứ

Nếu bạn đã từng trải qua những tình huống cụ thể khiến bạn cảm thấy tức giận, chẳng hạn như  bị lạm dụng, bị chấn thương hoặc bị bắt nạt (khi còn nhỏ hoặc gần đây là khi trưởng thành) và bạn không thể bày tỏ sự tức giận của mình một cách an toàn vào thời điểm đó, bạn có thể vẫn còn đang đương đầu với những cảm xúc tức giận đó  cho đến bây giờ.

Điều này có nghĩa là ngay trong thời điểm hiện tại, bạn thấy một số tình huống đặc biệt khó khăn và có nhiều khả năng khiến bạn tức giận nhiều hơn.

Đôi khi cảm giác tức giận hiện tại của bạn có thể không chỉ về tình hình hiện tại mà còn có thể liên quan đến trải nghiệm trong quá khứ, bạn biết không, điều này có thể có những cơn giận bạn đang cảm thấy ở hiện tai ở mức độ nào đó nó phản ánh tình trạng trong quá khứ của bạn.

Nhận thức được điều này có thể giúp chúng ta tìm cách ứng phó với các tình huống trong hiện tại một cách an toàn hơn và ít đau khổ hơn.

Hoàn cảnh hiện tại

Nếu hiện tại, bạn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, bạn có thể dễ dàng cảm thấy tức giận hơn bình thường hoặc tức giận vì những việc không liên quan.

Nếu có một tình huống cụ thể nào đó khiến bạn cảm thấy tức giận, nhưng bạn không cảm thấy có thể thể hiện trực tiếp hoặc giải quyết cơn giận của mình, thì bạn có thể thấy mình thể hiện sự tức giận đó vào những thời điểm khác.

Giận dữ cũng có thể là một phần của đau buồn. Nếu bạn đã đánh mất một người quan trọng với mình, bạn có thể sẽ rất khó khăn để đối phó với tất cả những điều mâu thuẫn mà bạn đang cảm thấy được.

PHẦN 3: KHI NÀO TỨC GIẬN LÀ MỘT VẤN ĐỀ?

Khi nó vượt quá tầm kiểm soát và gây hại cho bạn hoặc cho người xung quanh bạn

Tức giận là bình thường; và trên thực tế là lành mạnh cho đến khi nó vượt quá tầm kiểm soát. Sự tức giận chỉ trở thành vấn đề khi nó vượt quá tầm kiểm soát và gây hại cho bạn hoặc những người xung quanh bạn.

Điều này có thể xảy ra khi:

  • Gia tăng sự phản kháng của người khác, tăng sự bối rối từ người khác.
  • Bạn thường xuyên thể hiện sự tức giận của mình thông qua hành vi vô ích hoặc phá hoại.
  • Sự tức giận của bạn đang có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất tổng thể của bạn.
  • Tức giận trở thành cảm xúc nổi trội của bạn, ngăn chặn khả năng cảm nhận những cảm xúc khác của bạn.
  • Bạn chưa phát triển những cách lành mạnh để thể hiện sự tức giận của mình

Khi có những hành vi tức giận vô ích:

Cách bạn cư xử khi tức giận phụ thuộc vào mức độ bạn có thể xác định và đối phó với cảm xúc của mình cũng như cách bạn đã học cách thể hiện chúng.

Không phải ai cũng thể hiện sự tức giận theo cùng một cách. Ví dụ, một số cách vô ích mà bạn có thể đã học để thể hiện sự tức giận bao gồm:

  • Gây hấn và bạo lực bên ngoài: chẳng hạn như la hét, chửi thề, đóng sầm cửa, đánh hoặc ném đồ đạc và bạo lực về thể chất hoặc lăng mạ bằng lời nói và đe dọa người khác.
  • Gây hấn hướng nội: chẳng hạn như nói với bản thân rằng bạn ghét bản thân, từ chối nhu cầu cơ bản của bản thân (như thức ăn hoặc những thứ có thể khiến bạn hạnh phúc, cắt đứt bản thân với thế giới và tự làm hại bản thân).
  • Gây hấn không bạo lực hoặc thụ động: chẳng hạn như phớt lờ mọi người hoặc từ chối nói chuyện với họ, từ chối làm nhiệm vụ hoặc cố tình làm việc kém, làm muộn hoặc vào phút cuối; và mỉa mai hoặc hờn dỗi trong khi không nói bất cứ điều gì rõ rang, chỉ tỏ ra hung hăng hoặc tức giận.

Nếu bạn thấy bạn bộc lộ sự tức giận của mình thông qua sự hung hăng và bạo lực ra bên ngoài, điều này có thể vô cùng đáng sợ và gây tổn hại cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em. Hơn nữa nó có thể gây ra những hậu quả nhiêm trọng như: nó có thể làm bạn mất gia đình, công việc và gặp rắc rối với pháp luật. Trong trường hợp này, điều rất quan trọng là phải cố gắng tìm cách quản lý hay trị liệu và hỗ trợ.

Nhưng ngay cả khi bạn không bao giờ tỏ ra bạo lực hoặc hung hăng với người khác và thậm chí không bao giờ lớn tiếng, bạn vẫn có thể nhận ra một số hành vi tức giận này và cảm thấy rằng chúng là một vấn đề đối với bạn. Ví dụ, bạn hướng sự tức giận vào bên trong mình và tự làm hại bản thân hoặc từ chối từ những nhu cầu cơ bản của bản thân

Khi ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể chất của bạn

  • Tức giận có thể còn kích hoạt và gia tăng
    1. Tăng bực bội và cáu kỉnh
    2. Tăng đau đớn
    3. Tăng việc mất tập trung
    4. Tăng sầu muộn và trầm cảm
    5. Mất cân bằng hoạt động
  • Thông qua các nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Maddow kết luận rằng sự tức giận thường xuyên có thể gây ra tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể dẫn đến nổ động mạch não bị bệnh, dẫn đến đột quỵ. Tiến sĩ Charles Cole thuộc Đại học bang Colorado phát hiện ra rằng: ngoài việc tăng nhịp tim và huyết áp, khi một người tức giận, các mạch máu sẽ co lại. Sự kết hợp này cuối cùng có thể dẫn đến suy yếu cơ tim.

PHẦN 4: CÁCH QUẢN LÝ SỰ GIẬN DỮ

Nghĩ về cách kiểm soát cơn tức giận khi bạn bình tĩnh hơn

Quản lý giận dữ không có nghĩa là bạn cứ nén nó vào bên trong hay bung nó ra ngoài mạnh mẽ. Nếu bạn nghĩ về cách kiểm soát cơn tức giận của mình thì hãy nghĩ khi bạn bình tĩnh hơn, còn khi bạn nóng nảy bạn khó có thể tránh được cảm giác choáng ngợp về nó. Cách tốt nhất bạn có thể làm và nó cũng được các nhà tâm lý kiểm chứng và thực hiện, vì thế bạn có thể mạnh dạn sử dụng nó để tự giúp đỡ bản thân.

Tìm hiểu các kích hoạt cơn giận của bạn

Hiểu được các tình huống nào khiến bạn tức giận có nghĩa là bạn có thể phát triển các chiến lược để đối phó và suy nghĩ về cách phản ứng trước khi tình huống xảy ra.

Viết nhật ký tâm trạng là một cách hữu ích, hoặc ghi chú lại những lần bạn cảm thấy tức giận theo hướng dẫn của các nhà tâm lý.

 Bạn có thể ghi lại theo cách sau:

  • Hoàn cảnh diễn ra sự tức giận trong bạn là gì?
  • Ai đó đã nói hoặc làm điều gì đó khiến cho cơn giận của bạn bị kích hoạt?
  • Bạn đã có cảm giác cụ thể như thế nào?
  • Bạn đã chọn cách cư xử như thế nào?
  • Sau đó bạn đã cảm thấy thế nào?

Nếu làm những điều này một thời gian, bạn có thể bắt đầu cảm thấy rõ hơn, mấu chốt của vấn đề nổi lên. Theo thời gian bạn có thể phát hiện ra một số tác nhân nhất định, từ đó giúp bạn nhìn rõ bản thân và chọn con đường lành mạnh hơn.

Trả lời những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn xác định mức độ và giúp bạn xử lý tình huống gây ra cơn giận một cách hữu ích hơn.

  1. Điều đó có thật sự quan trọng đối với tôi?
  2. Những gì tôi đang suy nghĩ cảm thấy có phù hợp?
  3. Tôi có thể làm gì để tạo ra kết qua mong đợi mà không phải phiền muộn?
  4. Có thể kết quả không như ý muốn của tôi, tuy nhiên nó có thể đạt được mục đích hoà bình?

Kiểm tra các suy nghĩ tự động của bạn

Lưu ý đến các từ: “luôn luôn”, “không bao giờ” và “nên

Nếu bạn đang cảm thấy khó chịu và tức giận bạn có lẽ có những suy nghĩ tự động hoặc nói những điều như sau:

Ví dụ

  • “Tất cả là lỗi của họ”
  • “Họ không bao giờ lắng nghe”
  • “Điều này luôn xảy ra với tôi”
  • “Những người khác nên cư xử tốt hơn”
  • “Họ luôn luôn làm điều đó và không bao giờ chú ý đến cảm nhận của người khác”

Có rất nhiều cách khác nhau để chúng ta có thể giải thích một tình huống. Nó có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn nếu bạn nghĩ về “luôn luôn”, “không bao giờ” và “nên”, bởi vì thực tế mọi thứ hiếm khi có màu đen và trắng như vậy, và nó cũng dẫn bạn đến bế tắt và bất lực để thay đổi.

            Cố gắng thay thế những từ này bằng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn như “đôi khi”; “có thể”, “thỉnh thoảng” khi nghĩ về tình huống của bạn, sẽ giúp bạn phá vỡ những khuôn mẫu suy nghĩ tiêu cực, suy nghĩ bình tĩnh hơn về tình huống của mình và tìm ra cách thức mới để vượt qua xung đột.

Một chút thương xót cho nỗi đau của chính mình thường ngăn bạn trút nỗi đau đó lên người khác. Bạn có thể dừng lại một chút đôi khi tức giận để tự hỏi bản thân rằng “Tôi đang có cảm xúc nào đau đớn trong tình huống mà tôi trở nên tức giận”.

Bạn cũng có thể tự hỏi: “Vì sao sự giận dữ về… lại quan trọng với tôi như vậy, điều nay giúp bạn tìm đến giá trị của kích hoạt hay gây nên sự giận dữ, từ đó bạn có thể hướng đến vấn đề cốt lỗi và giải pháp phù hợp cho nó.

Học cách giao tiếp

Việc tức giận và hung hăng thái quá có thể cản trở việc truyền đạt cảm xúc và suy nghĩ của bạn một cách hiệu quả.

Bạn biết đấy, người giao tiếp với bạn có thể tập trung vào sự tức giận của bạn và khó lắng nghe những gì bạn đang nói.

Mặt khác, nếu như bạn có thể thể hiện sự tức giận của mình bằng cách nói một cách quyết đoán và tôn trọng điều gì đã khiến bạn tức giận, thì bạn có nhiều khả năng được người khác hiểu hơn.

Quyết đoán có nghĩa là đứng lên và bảo vệ bản thân trong khi vẫn tôn trọng người khác và ý kiến của họ. Điều đó có thể:

  • Làm cho cuộc giao tiếp trở nên rõ ràng hơn
  • Ngăn chặn những tình huống căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát
  • Có lợi cho các mối quan hệ và lòng tự trọng của bạn

Học cách quyết đoán có thể không dễ dàng khi bắt đầu, nhưng đây là một số điều bạn có thể thử:

  • Thứ nhất: suy nghĩ về kết quả bạn muốn đạt được. Điều gì khiến bạn tức giận và bạn muốn thay đổi điều gì? Chỉ cần giải thích điều bạn đang tức giận là đủ?
  • Thứ hai: hãy cụ thể hóa, ví dụ như: bạn có thể mở đầu câu nói của mình bằng, “tôi cảm thấy tức giận với bạn vì…” sử dụng cụm từ “tôi cảm thấy” tránh đổ lỗi cho bất kì ai và người khác sẽ ít cảm thấy bị tấn công.
  • Thứ ba: thực sự lắng nghe phản ứng của người kia và cố gắng hiểu quan điểm của họ.
  • Thứ tư: hãy chuẩn bị cho cuộc trò chuyện không thành công và cố gắng phát hiện khi nào điều này đang xảy ra. Nếu bạn cảm thấy bản thân đang tức giận, bạn có thể muốn quay lại cuộc trò chuyện vào lần khác.

Điều bạn có thể giúp bản thân là thừa nhận cảm giác, cảm xúc, cảm nhận của chính mình và lý do của nó, sau đó dành thời gian để giải quyết nó một cách hiệu quả hơn.

Quan sát lối sống của bạn

Chăm sóc sức khỏe của bạn một cách tổng quát hơn có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn và kiểm soát được nhiều hơn. Khi có những điều khiến bạn cảm thấy tức giận, bạn có thể:

  • Tránh những chất gây nghiện. Mặc dù bạn có thể cảm thấy điều này có thể giúp bạn đối phó trong thời gian ngắn, nhưng rượu và ma túy đều có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc và hành động của bạn, đồng thời có thể là yếu tố dẫn đến bạo lực.
  • Năng động hơn. Tích cực có thể giúp giải tỏa mọi căng thẳng mà bạn đang cảm thấy cũng như có lợi cho lòng tự trọng của bạn. Ngay cả những bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi dạo cũng có thể tạo ra sự khác biệt.
  • Ngủ ngon. Ngủ không ngon giấc có tác động rất lớn đến cảm giác của chúng ta và cách chúng ta đối phó với những điều xảy ra với mình.
  • Học cách đối phó với áp lực. Chúng ta có thể cảm thấy áp lực hoặc căng thẳng vì nhiều lý do khác nhau, nhưng dành một chút thời gian để học cách đối phó với áp lực có thể giúp chúng ta cảm thấy quản lý tốt hơn các tình huống khó khăn.
  • Phát triển khả năng phục hồi cảm xúc của bạn. Khả năng phục hồi cảm xúc giúp chúng ta cảm thấy có khả năng xử lý những cảm xúc khó khăn hơn.
  • Tập thể dục là cách rất tốt để bạn kiểm soát cơn giận dữ. Khi tập thể dục, hơi thở cũa bạn sẽ được ý thức và điều hòa, nó giúp hạ nhiệt cơn giận dữ.

 PHẦN 5: CÁC HƯỚNG DẪN KHÁC

Nhớ rằng tức giận là một cảm xúc bình thường, lành mạnh nó hướng đến việc bảo tồn bản thân, nhu cầu và niềm tin cơ bản của bạn, tuy nhiên  nếu như vượt quá tầm kiểm soát  nó có thể gây đến vấn đề và ảnh hường đến sức khoẻ tinh thần và thể chất của bạn. Vì vậy học cách kiểm soát nó trước khi nó kiểm soát bạn.  

  • Học cách thư giãn giúp giảm tác động tiêu cực lên hệ thần kinh giao cảm
  • Xác định giá trị và tầm quan trọng của cơn giận
  • Lưu ý đến mục tiêu của việc quản lý con giận của bạn. Nó hướng đến mục đích gì cho việc phát triển
    • Phát triển kỹ năng giao tiếp cho mục tiêu cải thiện mối quan hệ
    • Phát triển việc hiểu hơn về các kích hoạt cơn giận
    • Phát triển chiến lược ứng phó với sự tức giân
    • Phát triển kỹ năng lắng nghe
    • Học cách thức để sắp xếp lại những suy nghĩ tự động về các tình huống trong cuộc sống
    • Học cách thương thân và chăm sóc bản thân nhiều hơn

Khi hiểu được mặt lợi ích của con giận nó cũng giúp bạn tạo động lực để phát triển và hiểu hơn bản thân mình, những nỗi đau, nhu cầu, niềm tin tiềm ẩn, ẩn dấu sau những cơn giận đó.

 Khi bạn ý thức được sự tức giận của mình, nó giúp bạn tìm đến, hướng đến một cách thức khác để chăm sóc, yêu thương bản thân bạn và người thân bạn một cách an lành và khoẻ mạnh hơn. 

PHẦN 6: CHIA SẺ TRẢI NGHIỆM VỀ SỰ TỨC GIẬN

“ Cô biết không, ngày trước tôi là một người cực kỳ nóng tính, ai làm trái ý tôi, không tuân thủ nguyên tắc, con cái không nghe lời là tôi quạt liền, tôi cực kỳ thẳng tính. Làm việc với cấp trên tôi cũng không nể nang gì nên nhiều khi cũng không lấy lòng được họ. Nhiều khi cũng thấy bất công, mình làm muốn chết mà không được cân nhắc. Ở nhà thì con cái nó cũng chỉ theo mẹ, nhiều khi buồn.

Ngẫm ra mình cũng là người tốt mà, sao người tốt cứ phải luôn luôn chịu thiệt hả cô. Có một dạo, huyết áp cứ tăng, lại thêm căn bệnh tim hành hạ, thiệt buồn, không biết bày tỏ cùng ai.

Bây giờ thì tốt hơn rồi chuyển qua công việc này làm việc với tụi trẻ mình cũng học được tính kiên nhẫn hơn, nhẫn nại hơn, mình cũng không phải là thánh nhân gì, nhưng ôn lại những tấm gương của bậc thánh nhân, những người chịu khổ, chịu nhẫn vì mục đích lơn hơn mình cũng an lòng, cũng kiềm bớt sự nóng giận của mình. Mình trở nên bình tĩnh hơn và cũng nhắc nhở, răng mình hơn. Mong sao các bạn trẻ kịp thời sửa đổi bản thân hơn…” – NN Minh.   

 

“Tôi còn nhớ ngày mới ra trường, đến nơi phỏng vấn xin việc đầu tiên, trong một tổ chức giáo dục, làm việc với trẻ đường phố, trẻ vô gia cư, trẻ khó khăn,  tôi đã bị từ chối với lý do vì còn quá trẻ, vì hiền quá, vì chưa có kinh nghiệm v.v.

Tôi đã thật sự tức giận khi nghe như vậy, về nhà tôi buồn mấy ngày, cứ suy nghĩ “chẳng lẽ vì tôi trông hiền quá! Nhưng thật ra trong mắt bạn bè tôi là đứa nghiêm túc và rất dữ, chẳng lẽ tôi chưa có nhiều kinh nghiệm mà tôi không thể làm được việc, v.v”.

Khóc chán chê, buồn chán chê, gạt nước mắt, tôi  nghĩ “ Để rồi anh xem, tôi có thể làm được gì?!. Đứng dậy tôi chạy vòng vòng mua cho mình 4, 5 bịch bánh trán trộn, món ăn xa xỉ của tôi. Ngồi nhai nát bét, nhai ngấu nghiến nó rồi suy ngẫm làm cách nào để phát triển kỹ năng nghề nghiệp và bản thân mình. Nhiều lần nghiệm lại  biết ơn người phỏng vấn năm xưa… Sự tức giận năm ấy đã tạo động lực cho tôi phát triển, tôi học hỏi và dấn thân..”-LTM Tân.

 

“Sự tức giận là axit có thể gây hại cho vật chứa nó nhiều hơn là những gì mà nó được đổ lên”. – Mark Twain

 

“Sự giận dữ có thể làm anh no trong một giờ, nhưng không thể dựa vào cả một buổi tối; sự kéo dài của nỗi giận trở thành thù hận, sự kéo dài của thù hận trở thành ác tâm”. – Francis Quarles

 

“Mỗi phút bạn giận dữ, bạn từ bỏ sáu mươi giây thanh thản tâm hồn”. – Ralph Waldo Emerson

 

“Sự giận dữ của những người yêu nhau làm hồi phục sức mạnh của tình yêu”. – Publilius Syrus

 

“Sự phẫn nộ xác đáng khơi dậy tất cả sức mạnh của con người”. – Ralph Waldo Emerson

 

Viết và tập hợp: Nguyễn Thị Hạ, Lê Thị Minh Tâm

Chi hội tâm lý ứng dụng- giáo dục cộng đồng – Hoa Súng

Tài liệu tham khảo:

Lê Thị Minh Tâm. (2013). Tiếp Cận Trị Liệu Nhận Thức hanh Vi: Nhà Xuất bản Thời Đại.

Cảm ơn những thông tin chuyên khảo từ www.mind.org.uk

Nguồn: https://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/anger/about-anger/

Nguồn: https://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/anger/long-term-coping

Nguồn: https://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/anger/causes-of-anger/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.