7 CÁCH ĐỂ HỌC TẬP HIỆU QUẢ HƠN

Những gì khoa học thần kinh cho chúng ta biết về cách thức tối ưu hóa tiềm năng học tập của mình

 

Khi còn đi học, thói quen học tập điển hình của tôi là: “nhồi nhét” hàng giờ đồng hồ trước bài kiểm tra, làm bài kiểm tra đủ tốt, và quên đi tất cả đúng theo nghĩa đen một vài ngày sau đó. Không có vấn đề gì với tôi lúc đó, vì tôi vẫn đạt yêu cầu trong bài kiểm tra, nhưng về lâu dài,việc học tập đã không xảy ra.

Theo quan điểm khoa học thần kinh, đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Để học tập hiệu quả, chúng ta cần thực hiện một vài chiến lược. Hãy gọi nó là “nghệ thuật hack não”, nếu bạn muốn. Dưới đây là danh sách bảy điều bạn có thể làm để việc học tập (một kĩ năng mới, một ngôn ngữ mới, hoặc tài liệu ở trường) đạt hiệu quả hơn. Tôi ước rằng mình biết điều này khi còn đi học, nhưng mà không bao giờ quá trễ để học, đúng không nào?

Chia quá trình học thành nhiều giai đoạn nhỏ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thay vì học trong một thời gian dài, hãy dành cho bản thân những khoảng nghỉ ngắn giữa buổi để tăng sự tập trung. Vấn đề ở đây không phải vì chúng ta có những khoảng chú ý ngắn – mà việc liên tục chú ý đến cùng một kích thích có thể khiến não bộ coi nó không quan trọng. Ảo ảnh quang học có tên là “Troxler Fading” là một phép loại suy điển hình cho điều này – việc liên tục nhìn cố định vào một điểm cụ thể có thể khiến các điểm không thay đổi trong tầm nhìn ngoại vi của chúng ta “mờ đi”.

Một trong những ứng dụng thực tế nhất và thường được trích dẫn theo ý tưởng này là kỹ thuật Pomodoro. Với kỹ thuật này, chúng ta làm việc trong khoảng 25 phút, và theo sau là 5 phút giải lao. Như đã thảo luận, thời gian nghỉ ngơi này rất quan trọng, để đầu óc thoát khỏi vấn đề và kích hoạt các vùng não khác với những vùng đang sử dụng khi tập trung vào nhiệm vụ. Điều này không chỉ mang đến cơ hội sáng tạo hơn, mà còn khiến chúng ta không mất tập trung.

Giấc ngủ là điều cần thiết để học tập thành công

 

 

Barbara Oakley, trong Bài nói chuyện xuất sắc của cô ấy tại Google về cách não bộ học hỏi, đã đặt ra thuật ngữ “chế độ tập trung” cho các phần của não được kích hoạt khi gặp thử thách với một vấn đề quen thuộc. Cô ấy cho rằng nhiều kết nối thần kinh được tạo ra ở “chế độ tập trung”. Nhưng khi bắt đầu học một điều gì đó hoàn toàn mới, một chế độ khác của não bộ, “chế độ mặc định” sẽ phát huy tác dụng. Mạng chế độ mặc định bao gồm một loạt các vùng não hoạt động khi một người nghỉ ngơi. Đây có lẽ là những khu vực làm việc khi chúng ta nói “Tôi không biết làm thế nào mà ý tưởng đó đến với tôi khi tôi đang rửa bát. Tôi thậm chí còn không nghĩ về vấn đề này! ” Bởi vì chứa các vùng não lan tỏa, mạng chế độ mặc định có thể hữu ích trong việc liên kết các khái niệm hoặc ý tưởng dường như không liên quan.

Đây là một trong những lý do tại sao giấc ngủ rất quan trọng đối với việc học. Các nghiên cứu đã chỉ ra giấc ngủ cần thiết vì một số lý do – một trong số đó là quá trình hợp nhất ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn xảy ra một phần trong khi ngủ. Nghiên cứu đã chứng minh ở chuột rằng giấc ngủ thúc đẩy việc loại bỏ các sản phẩm phụ của hoạt động thần kinh khỏi não, dẫn đến việc phục hồi có thể xảy ra.

 

Thay vì “học theo khuôn mẫu”, học xen kẽ các kỹ năng liên quan là một kỹ thuật hiệu quả 

Khi dạy trẻ các khái niệm mới, các kỹ năng liên quan hoặc tương tự như “học theo khuôn mẫu” trở thành tiêu chuẩn. Ví dụ, khi dạy trẻ viết chữ, trước tiên chúng tập viết một loạt chữ A, sau đó là một loạt chữ B, v.v. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kỹ năng đan xen, nghĩa là yêu cầu trẻ viết chữ A, sau đó là chữ B rồi đến chữ C, sau đó quay lại viết chữ A, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong quá trình học tập lâu dài.

Tại sao điều này xảy ra? Có thể là việc xen kẽ giúp người học phân biệt giữa các khái niệm tương tự dễ dàng hơn so với thực hành “theo khuôn mẫu”. Đồng thời, nghiên cứu gợi ý rằng xen kẽ có thể giúp tăng cường liên kết trí nhớ. Không giống như “học theo khuôn”, chỉ yêu cầu đưa ra một giải pháp tại một thời điểm, học xen kẽ yêu cầu bộ não của chúng ta liên tục tham gia, đưa các giải pháp khác nhau vào bộ nhớ ngắn hạn và sử dụng chúng.

 

Dạy chủ đề đang học cho người khác (hoặc giả vờ làm như vậy)

Tôi không nhớ nhiều về những gì đã học ở trường, nhưng điều tôi nhớ rất rõ là những chủ đề mà tôi được phân công dạy cho các bạn học của mình. Nghiên cứu đã chứng minh việc “học nâng cao” này trong khi giảng dạy có thể là kết quả của việc tiếp cận lại những gì đã học trước đó, thay vì đọc lại tài liệu một cách thụ động. Nói cách khác, đó là một cách để kiểm tra, nhưng không thực sự là như vậy.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra những đứa trẻ làm gia sư hiểu bài rõ hơn. Nếu bạn không có điều kiện để có một nhóm học tập hoặc một người bạn sẵn sàng lắng nghe bạn giảng bài, việc vừa học một khái niệm vừa giả sử bạn phải dạy nó cho người khác có thể là một cách tuyệt vời để học hiệu quả hơn.

 

Ghi chú trong lớp (hoặc khi xem video khóa học trực tuyến), và tiếp tục mở rộng những ghi chú đó ngay sau bài học

Trong bài giảng cực kỳ nổi tiếng của mình về cách học thông minh, Marty Lobdell đã nói với các sinh viên về tầm quan trọng của việc ghi chép trong lớp. Không có cách nào để nhớ điều gì đó bạn đã học trong lớp (bất kể bạn nghĩ mình đã chăm chú đến mức nào) nếu bạn không ghi chú.

Nhưng đây là điều ông ấy nói còn quan trọng hơn – ngay sau khi lớp học kết thúc, hãy xem lại ghi chú và mở rộng chúng dựa trên bài giảng bạn vừa nghe. Nếu không, bạn có nguy cơ không thể hiểu các ghi chú của mình khi nhìn lại chúng sau một vài ngày.

 

Kết hợp các sự kiện với khái niệm để tối đa hóa việc học

Trong quá trình học, việc phải ghi nhớ một số dữ kiện nhất định là không thể tránh khỏi. Ví dụ, sinh viên y khoa cần phải học tên của tất cả các cơ trên cơ thể con người. Lobdell gợi ý rằng trong cùng một bài giảng mà tôi đã đề cập, sinh viên sẽ học tốt hơn chức năng của từng cơ khi cùng lúc học tên của nó.

Trí nhớ con người về cơ bản là một quá trình liên kết, vì vậy chúng ta có cơ hội học và ghi nhớ tốt điều gì đó nếu học trong ngữ cảnh. Ví dụ, thay vì chỉ ghi nhớ rằng Mahatma Gandhi bị ám sát vào năm 1948, tôi sẽ làm tốt hơn nếu tôi biết rằng Ấn Độ đã giành được độc lập vào năm 1947 và ông ấy bị giết chỉ một năm sau đó.

 

Hãy xem kiểm tra như một cách để học, thay vì một công cụ đánh giá

Các bài kiểm tra không chỉ hữu ích khi giúp ta hiểu bản thân đã học được bao nhiêu và học tốt như thế nào, mà còn có thể là công cụ học tập tuyệt vời. Điều này một lần nữa cho thấy cách thức truy xuất thông tin giúp việc nhớ lại trong tương lai diễn ra dễ dàng hơn, so với việc chỉ đưa ra thông tin.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng làm bài kiểm tra trí nhớ sau khi học giúp tăng khả năng ghi nhớ tài liệu về sau; hiện tượng được gọi là “hiệu ứng thử nghiệm”. Điều này đúng ngay cả với các bài kiểm tra không thành công – khi một người trả lời sai, trước khi biết câu trả lời đúng. Việc này không gây cảm giác bối rối (như hầu hết mọi người tưởng tượng), có vẻ như việc chỉ cố gắng đưa ra câu trả lời chính xác sẽ kích hoạt các mạng ngữ nghĩa (Mạng ngữ nghĩa là mạng được sử dụng về tốt hơn về sau, khi ghi nhớ những sự kiện đã học.)

 

Mặc dù việc trang bị những công cụ cần thiết để học tập tốt hơn là quan trọng, nhưng hãy nhớ rằng tinh thần làm việc của chúng ta đang cạn kiệt do đại dịch và những ảnh hưởng của nó, và hãy tử tế với chính bản thân vào lúc này nhé.

 

Nguồn dịch: 

Subramaniam, A. (2020), 7 Ways To Learn More Effectively, truy xuất từ: https://www.psychologytoday.com/us/blog/parenting-neuroscience-perspective/202012/7-ways-learn-more-effectively

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.