Contents
HIỂU VỀ CƠN GIẬN
– Có phải “Tại bạn mà tôi giận”? –
Bạn có hiểu về cơn giận của mình? Tại sao bạn giận? Khi giận, bạn có hoàn toàn giận không, hay bên cạnh cơn giận là những cảm xúc khác? Phản ứng cơ thể, hành vi của bạn ra sao? Những suy nghĩ, hình ảnh gì xuất hiện trong tâm trí bạn?
Nếu trả lời được những câu hỏi này, thì bạn thật sự hiểu về cơn giận của mình. Còn nếu không, không sao cả, vì chúng ta đang trong tiến trình tìm hiểu bản thân, hiểu và thương mình nhiều hơn.
NHỮNG YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN CƠN GIẬN DƯỚI GÓC NHÌN CBT (TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI)
Cơn giận là một trong những cảm xúc cơ bản của con người, nên việc chúng ta tức giận vì một điều gì đó là hoàn toàn bình thường. Theo tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi, khi một sự kiện xảy ra, có bốn yếu tố tác động qua lại lẫn nhau, là cảm xúc, suy nghĩ, cảm giác thể lý và hành vi. Như vậy, khi có một sự kiện kích hoạt cơn giận của ta, các yếu tố này sẽ cùng với nhau tạo ra “chính ta” trong hoàn cảnh đó. Chẳng hạn như, khi mẹ bạn nhắc nhở bạn về vấn đề học tập, trong tâm trí bạn có thể xuất hiện suy nghĩ là “nhắc nữa hả, ngày nào cũng nhắc!”, cùng với đó là sự căng cứng cơ thể và giận dữ, và rồi bạn hét lên với mẹ rằng “Con biết rồi, biết rồi, sao mà mẹ cứ nhắc con hoài vậy, con lớn rồi mà!”. Ở đây, suy nghĩ có thể tác động đến hành vi, cũng có thể là hành vi tác động đến cảm xúc, hoặc từ cảm xúc đi đến suy nghĩ. Càng giận thì người càng căng, người càng căng thì càng khó chịu mà càng khó chịu thì lại càng có những suy nghĩ bực tức leo thang. Như một vòng luẩn quẩn, không thể thoát ra được. Khi giận, tùy từng người sẽ có những phản ứng tương tự hoặc khác nhau. Như bạn có thể đã biết, một số phản ứng thể lý khi cơn giận xuất hiện có thể là căng cứng, nhịp tim tăng, thở gấp, mặt đỏ,… thậm chí là ngất xỉu. Cùng với đó là những suy nghĩ, cảm xúc lo lắng, buồn bã, thất vọng, la hét, ném đồ và giậm chân, v.v.
Khi hiểu được những điều này, bạn đã có một bước tiến lớn trong hành trình hiểu cơn giận của mình. Để chuyển đổi cơn giận theo hướng phù hợp hơn thì câu trả lời là cắt những đầu mối của cái vòng luẩn quẩn, chỉ cần cắt một đầu là những đầu khác sẽ từ từ buông xuống. Điều này có nghĩa là hãy tác động vào một trong bốn yếu tố cảm xúc, suy nghĩ, thể lý hoặc hành vi. Một phương pháp dễ thực hiện mà hầu hết chúng ta hay sử dụng đó là phương pháp thở. Khi tức giận, một số người sẽ điều chỉnh nhịp thở của mình, hít vào, thở ra để đưa cơ thể về trạng thái thoải mái nhất, đó là khi chúng ta tác động vào thể lý. Một số người khác lại nói với chính mình rằng “bình tĩnh, bình tĩnh, không sao đâu, có gì đâu mà giận”, đây là cách thức chuyển đổi suy nghĩ để mọi thứ ổn định hơn. Có thể bạn chưa biết, nhưng đâu đó bạn đang sử dụng các phương pháp trong tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi cho chính mình.
CÓ PHẢI “TẠI BẠN MÀ TÔI GIẬN”?
Chúng ta có thể nhiều lần nghe những câu nói là “tại bạn mà tôi giận, nếu bạn không làm như vậy thì tôi đã không giận?” hay “tại anh mà tôi mới hành xử như vậy?”… Vậy có phải là “Tại bạn mà tôi giận” không hay còn lý do khác? Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao cùng một tình huống, cùng một yếu tố kích hoạt nhưng bạn giận, còn người khác thì không. Liệu có phải rằng họ biết cách kiểm soát cơn giận hay là chuyện đó với họ không là một vấn đề đáng để giận. Bên dưới cơn giận là nhiều tầng, nhiều ý nghĩa khác nhau. Quay trở lại với ví dụ ở trên, bên dưới cơn giận của người con khi bị mẹ nhắc nhở có thể là cảm giác buồn vì mẹ không tin tưởng vào sự tự giác của mình, cũng có thể là sự thất vọng về bản thân khi kết quả học tập không tốt, hay là nhiều điều khác mà cần phải khai thác sâu hơn mới biết được. Chính điều này và cũng chính niềm tin này làm bạn ấy nổi giận. Một ví dụ ngược lại có thể là cùng bị mẹ nhắc nhở nhưng tại sao người em của bạn đó lại không giận mà còn vui vẻ cảm ơn mẹ vì đã nhắc nhở. Có phải vì người em luôn được kết quả học tập cao hay vì người em tin rằng mẹ nhắc nhở là do quan tâm mình.
LỢI ÍCH VÀ BẤT LỢI CỦA CƠN GIẬN
Mỗi cảm xúc xuất hiện đều mang một ý nghĩa để bảo vệ chúng ta và cơn giận cũng vậy. Cơn giận xuất hiện có thể đang truyền cho bạn năng lượng để phản kháng lại, để bảo vệ niềm tin của bạn, cũng có khi là ngăn quan điểm của bạn không bị “xâm hại” bởi “kẻ thù”, thể hiện quan điểm của bạn một cách mạnh mẽ và tạo nên một “ranh giới” để người khác không thể bước qua, v.v. Như một cặp đôi không thể thiếu, có lợi ích sẽ có bất lợi. Bất lợi ở đây có thể là ảnh hưởng đến mối quan hệ, các hành vi gây hấn có thể xảy ra và dẫn đến những kết quả không mong muốn, sự tội lỗi, tuyệt vọng về bản thân… Tuy nhiên, giận là một trong những cảm xúc cơ bản của con người, chúng ta không thể không bao giờ giận và chúng ta cần sự giận dữ để giải tỏa những nỗi đau trong lòng. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để vừa có thể giận nhưng lại không làm ảnh hưởng đến người khác? Để làm được như vậy, bạn cần phải có nhiều kĩ năng khác nhau từ kỹ năng quản lý cơn giận, kỹ năng giao tiếp, cho đến kỹ năng xử lý vấn đề.
ĐÔI LỜI NHẮN GỬI TỪ TÁC GIẢ
Bạn thân mến, tôi tin rằng mỗi bạn khi đọc đến đây đều có những cảm xúc và suy tư riêng về cơn giận của mình. Có thể bạn sẽ lo lắng vì không biết mình đã giận “đúng cách” chưa, hay bạn cảm thấy thoải mái vì phần nào bạn đã hiểu được cơn giận của mình. Dù như thế nào đi nữa, cảm ơn bạn đã nỗ lực vì chính mình. Hãy yêu thương và ôm lấy nỗi đau từ cơn giận bạn nhé! Vì có hiểu mới có thương!
Tài liệu tham khảo
Ohwovoriole, T., 2021. How to Manage Your Anger. Very well Mind. Truy xuất từ: https://www.verywellmind.com/what-is-anger-5120208
Lê Thị Minh Tâm, 2012. Tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi. TP. Hồ Chí Minh: Thời Đại.